Cách Sử Dụng Máy Ép Chậm 5 Bước Đơn Giản, Không Kẹt Bã

Dùng máy ép chậm đúng cách sẽ giúp bạn có được những cốc nước ép ngon lành và nhanh chóng. Thế nhưng, nếu không biết làm, bạn có thể gặp tình trạng kẹt máy, phải loay hoay gỡ xơ trong máy mất thời gian, hay ép nước không kiệt bã. Vậy nên, ở bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng máy ép chậm hiệu quả nhất, dựa trên những kinh nghiệm của mình với thiết bị nhà bếp hữu ích này nhé.

1

Hướng dẫn cách sử dụng máy ép chậm chi tiết nhất

Để cho chiếc máy ép hoa quả của mình được bền bỉ theo năm tháng, và có được thành phẩm nước ép ngon bổ rẻ, bạn hãy làm theo các bước sau.

cách sử dụng máy ép chậm

Với lần đầu sử dụng máy ép chậm, việc đầu tiên bạn cần phải làm đó là phải rửa sạch lại toàn bộ các bộ phận của máy (trừ phần thân máy) bằng nước rửa chén. Mục đích của việc này là giúp loại bỏ bụi bẩn trong quá trình sản xuất và vận chuyển.

Nếu bạn đã rửa sạch máy sau lần sử dụng trước đó, tốt nhất, bạn vẫn nên rửa lại các bộ phận của máy với nước sạch. Sau đó, phơi các chi tiết máy ở nơi khô thoáng, hoặc lau khô bằng khăn. Không nên đặt chúng tại những nơi ẩm ướt, như thế sẽ rất dễ nên vi khuẩn và bám phải nhiều bụi bẩn.

Mục đích của bước này là để cho cốc nước ép của mình luôn giữ được vệ sinh nhất có thể.

Cách sử dụng máy ép hoa quả chậm bắt đầu từ việc bạn ráp các bộ phận của máy đúng cách. Mỗi model máy có thể lắp ráp hơi khác, bạn nên thực hiện theo chỉ dẫn của sách hướng dẫn sử dụng.

Như mẫu máy ép chậm dạng đứng mình dùng thì thứ tự lắp các bộ phận như sau:

  • Đầu tiên bạn hãy lắp khay chứa vào thân máy.
  • Tiếp đến, bạn đặt lưới lọc vào trong khay chứa.
  • Sau đó đến trục ép.
  • Ống tiếp nguyên liệu.
  • Cuối cùng là thanh nhấn nguyên liệu.

Bạn chú ý là các bộ phận sẽ có khớp để cố định chúng với nhau (Ví dụ như khay chứa với thân máy, hay ống nguyên liệu với thân máy). Trường hợp có một khớp không chặt, hoặc chi tiết không đúng vị trí các khóa, máy sẽ không vận hành được.

Trước khi sử dụng bạn nên kiểm tra dây điện xem có đảm bảo an toàn không. Nếu bị hư hỏng thì có thể xử lý kịp thời. Lưu ý là bạn chỉ nên khởi động khi tất cả các bộ phận của máy ở tình trạng khô ráo và sạch sẽ nhất.

Sơ chế toàn bộ nguyên liệu trước khi ép

Để có cho mình một ly nước ép với đầy đủ dưỡng chất, đầu tiên bạn sẽ cần phải chọn được các thực phẩm tươi ngon. Và điều quan trọng nhất là bạn phải sơ chế các nguyên liệu thật sạch sẽ và phù hợp để ép nước.

Cách để mình sử dụng máy ép chậm mượt mà, không bị tắc hay kẹt xơ nằm trong một số bí quyết sau đây:

  • Đối với những loại quả cứng và to như ổi, táo, lê…bạn phải bỏ hạt. Sau đó, cắt quả thành những miếng vừa nhỏ với miệng ống tiếp nguyên liệu.
  • Với các loại quả nhỏ mềm thì bạn chỉ cần bỏ trực tiếp vào máy là có thể ép được luôn.
  • Nếu bạn ép rau, hãy kẹp chúng vào giữa miếng trái cây cứng. Như vậy bạn sẽ ép được cả nước rau. Nếu không lá rau sẽ chỉ trôi theo trục ép và gần như không ép được nước.
  • Với rau nhiều xơ như cần tây, hãy cắt khúc nhỏ để tránh bị kẹt (Mình đã có kinh nghiệm gỡ xơ đau thương với cần tây, nên bạn đừng lặp lại lỗi của mình nhé).

Hiện nay để đáp ứng được nhu cầu của người dùng thì các dòng máy ép cao cấp cũng lần lượt xuất hiện. Với các model này, bạn chỉ cần sơ chế hoa quả thật sạch sẽ và bỏ thẳng trực tiếp vào máy luôn là đã có thể dễ dàng sử dụng được. Máy sẽ tự cắt trái cây, tiết kiệm thời gian cho bạn.

sử dụng máy ép chậm đúng cách

Sau khi bạn đã hoàn thành các bước ở trên, hãy cắm điện và khởi động bằng công tắc đã gắn sẵn trên máy.

Đa phần máy ép chậm chỉ có 1 công tắc 2 chiều: một chiều ép và một chiều đảo trục, rất dễ dùng.

Tiếp theo, cho thực phẩm mà bạn đã sơ chế vào máy ép. Lưu ý là bạn phải ép đè từ từ thực phẩm xuống, để máy hoạt động được bền nhất. Bạn không nên cho nguyên liệu vào máy một cách vội vàng, hạn chế nhồi nhét. Bởi như vậy sẽ khiến máy bị kẹt, gây hư hỏng trong quá trình sử dụng.

Khi đã hoàn thành xong các bước ở trên và có được thành phẩm, điều bạn cần làm lúc này là nhấn công tắc về số 0 và rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm điện. Lúc này, bạn đã có thể rót nước ép ra cốc và thưởng thức cùng gia đình thân yêu.

Phần bã sau khi ép xong bạn có thể sử dụng để làm phân bón cho các loại cây trồng ở trong vườn. Như vậy, sẽ giúp cho cây tăng thêm chất dinh dưỡng và phát triển nhanh chóng hơn.

Để tháo máy, bạn làm ngược lại thứ tự lắp máy. Cụ thể sẽ là: Ống tiếp nguyên liệu, trục ép, lưới lọc và khay chứa.

Sau đó sử dụng nước rửa chén để cọ rửa lại các bộ phận đó, rồi tráng qua với nước sạch. Riêng lưới lọc thì bạn nên vệ sinh bằng bàn chải cho sạch (hãng thường có kèm bàn chải trong bộ sản phẩm rồi).

Tiếp đó bạn hãy để các bộ phận của máy phơi ở nơi khô ráo và thoáng mát. Đối với phần thân máy bạn nên sử dụng khăn mềm để lau đi các vết bẩn dính ở bên ngoài.

2

Một vài lưu ý tăng độ bền cho máy ép chậm

Mẹo tăng độ bền cho máy ép chậm

Chắc hẳn sau khi tham khảo qua các nội dung bên trên bạn cũng đã biết cách sử dụng máy ép chậm rồi đúng không nào? Tuy nhiên, để máy được bền đẹp và sử dụng được lâu hơn bạn sẽ cần phải lưu ý một số điều sau.

  • Lựa chọn các nguyên liệu có độ cứng vừa phải và chứa nhiều nước để máy dễ dàng vận hành hơn.
  • Bạn không nên chọn các loại hoa quả không phù hợp để ép như: Mít, chuối, mãng cầu….vì các loại quả này thuộc dạng mềm khi bỏ vào máy ép sẽ khiến các lỗ nhỏ trên bộ lọc bị bịt kín. Dẫn đến việc khó vệ sinh, khiến máy bị bám bẩn và gỉ sét.
  • Hạn chế cho máy ép những loại quả xanh hay quá cứng. Bởi như vậy có thể khiến cho máy bị kẹt và làm giảm đi tuổi thọ đáng kể.
  • Nên đọc kỹ sổ tay hướng dẫn sử dụng của mỗi dòng máy. Như vậy bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về cách hoạt động cũng như công dụng của từng chi tiết.
3

Câu hỏi thường gặp về cách sử dụng máy ép chậm

Dưới đây là một vài thắc mắc của người dùng khi sử dụng máy ép hoa quả.

Máy ép chậm có thể ép được những loại trái cây, rau củ nào?

Máy ép chậm có thể ép các loại hoa quả và rau củ mọng nước như: Táo, ổi, dứa, cà rốt, rau cần tây, dưa chuột…

Máy ép chậm có thể ép được đá không?

Máy ép chậm không thể ép được đá. Nhưng máy có thể làm được kem đối với các loại hoa quả đông cứng ở một nhiệt độ nhất định.

Có thể làm sữa hạt bằng máy ép chậm không?

Bạn có thể sử dụng máy ép chậm để làm sữa hạt một cách đơn giản. Hãy tham khảo cách làm tại bài viết này của mình.

cách dùng máy ép chậm làm sữa hạt
Có thể làm sinh tố hoa quả bằng máy ép chậm không?

Cấu trúc của máy ép chậm không thể làm sinh tố. Để làm sinh tố hoa quả, bạn cần sử dụng máy xay sinh tố chuyên dụng. Máy ép chậm tách riêng phần nước và bã, trong khi máy xay sinh tố sẽ xay nhuyễn và hòa trộn phần nước và thịt quả.

Máy ép chậm có thể rửa được trong máy rửa chén không?

Không nên rửa các chi tiết của máy ép chậm trong máy rửa chén bát. Bởi chế độ sấy và nhiệt khá nóng, đối với các vật liệu như nhựa sẽ rất dễ vỡ và bị móp méo.

4

Lời kết

Trên đây, mình đã hướng dẫn bạn cách sử dụng máy ép chậm đơn giản hiệu quả tại nhà. Hy vọng rằng sau khi tham khảo qua bài viết này, bạn có thể bổ sung thêm kiến thức hữu ích về cách sử dụng thiết bị. Như vậy bạn sẽ vừa bảo quản được máy lâu dài mà lại vừa tạo nên những thức uống thơm ngon bổ dưỡng.

Chúc bạn có những ly nước ép thơm ngon!

Thảo Trương
Thảo Trương

Chào bạn, tôi là Thảo. Là người theo học ngành Công nghệ thực phẩm và hiện đang làm trong lĩnh vực dinh dưỡng, tôi yêu thích nấu nướng và chăm sóc gia đình với những bữa ăn ngon và chất lượng. Với những hiểu biết của mình, tôi sẽ phụ trách các nội dung liên quan đến Bếp núc tại HomeTopPicks Việt Nam. Hy vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích từ những bài viết của tôi. Bạn có thể tìm hiểu thêm về tôi tại đây.

      HomeTopPicks Việt Nam
      Logo